CÔNG TY TNHH

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG

Hotline
0912.79.79.07
0988.787.535 - 0946.371.114

Luật Phòng Chống Cháy Nổ Và Quy Định Về Bảo Hiểm Cháy Nỗ Bắt Buộc

Cập nhật 123: 16/10/2019

NGHỊ ĐỊNH
Q
uy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 12 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và
chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006
quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2012.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính[1],

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

  1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
  2. Doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật.
  3. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

  1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải mua bảo hiểm tại các doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc hoạt động tại Việt Nam, kể từ khi có nguy hiểm cháy, nổ.
  2. Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định này mua bảo hiểm cháy, nổ trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 4. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ theo quy định của Nghị định này là những doanh nghiệp có giấy phép thành lập và hoạt động – kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính cấp.

Chương II
CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM CHÁY, NỔ BẮT BUỘC

Điều 5. Đối tượng phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

  1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở đó.
  2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Xây dựng quy định và hướng dẫn cụ thể những trường hợp phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có đặc thù riêng là nhà ở tập thể, nhà chung cư.
  3. Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung hoặc loại bỏ khỏi danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định này.

Điều 6. Tài sản phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Tài sản phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc gồm: nhà, công trình kiến trúc và các trang thiết bị kèm theo; máy móc thiết bị; các loại hàng hoá, vật tư, tài sản khác mà giá trị của nó tính được thành tiền.

Điều 7. Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của tài sản phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại thời điểm tham gia bảo hiểm. Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thoả thuận.

Điều 8. Thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Nghĩa vụ tham gia chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định này được thể hiện thông qua việc giao kết hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.

Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Điều 9. Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

  1. Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm cháy, nổ.
  2. Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải có những nội dung chính sau đây:
  3. a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm;
  4. b) Đối tượng bảo hiểm;
  5. c) Điều kiện bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm;
  6. d) Giá trị tài sản được bảo hiểm cháy, nổ;

đ) Quy tắc, biểu phí bảo hiểm được áp dụng;

  1. e) Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;
  2. g) Thời hạn bảo hiểm;
  3. h) Mức phí, phương thức đóng bảo hiểm;
  4. i) Cơ quan thẩm định thiệt hại khi cần;
  5. k) Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường;
  6. l) Trách nhiệm của bên mua và bên bán bảo hiểm;
  7. m) Các quy định giải quyết tranh chấp;
  8. n) Trách nhiệm của bên vi phạm hợp đồng;
  9. o) Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.
  10. Ngoài những nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có thể có các nội dung khác do các bên thoả thuận nhưng không trái với các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 10. Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm không có nghĩa vụ bồi thường nếu thiệt hại do một trong những nguyên nhân sau đây gây ra:

  1. Động đất, núi lửa phun hay những biến động khác của thiên nhiên.
  2. Tài sản tự lên men hoặc tự toả nhiệt.
  3. Tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt.
  4. Sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ.
  5. Nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ.
  6. Thiệt hại xảy ra đối với máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện do chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện hay rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh.
  7. Những thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm nhằm mục đích đòi bồi thường thiệt hại theo hợp đồng bảo hiểm.
  8. Những thiệt hại do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ.
  9. Hàng hoá nhận uỷ thác hay ký gửi trừ khi những hàng hoá đó được xác nhận trong giấy chứng nhận bảo hiểm là được bảo hiểm và người được bảo hiểm trả thêm phí bảo hiểm theo quy định.
  10. Tiền, kim loại quý, đá quý, chứng khoán, thư bảo lãnh, tài liệu, bản thảo, sổ sách kinh doanh, tài liệu lưu trữ trong máy tính điện tử, bản mẫu, văn bằng, khuôn mẫu, bản vẽ, tài liệu thiết kế, trừ khi những hạng mục này được xác nhận trong giấy chứng nhận bảo hiểm.
  11. Chất nổ, trừ khi được xác nhận là được bảo hiểm trong giấy chứng nhận bảo hiểm.
  12. Những tài sản mà vào thời điểm xảy ra tổn thất, được bảo hiểm theo đơn bảo hiểm hàng hải hoặc thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo đơn bảo hiểm hàng hải, trừ phần thiệt hại vượt quá trách nhiệm bồi thường theo đơn bảo hiểm hàng hải.
  13. Những thiệt hại do cháy, nổ gây ra cho bên thứ ba.
  14. Những thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.
  15. Những thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.
  16. Những trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật hoặc do các bên thỏa thuận.

Đối với những trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm nêu trên, nếu bên mua bảo hiểm có nhu cầu bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm thì các bên vẫn có thể giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ sung cho những sự kiện đó.

Điều 11. Thẩm định thiệt hại khi cháy, nổ xảy ra

Khi có thiệt hại do cháy, nổ xảy ra doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm cùng phối hợp xác định thiệt hại. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thống nhất được giá trị thiệt hại thì một trong hai bên hoặc cả hai bên có quyền mời cơ quan, tổ chức có chức năng đánh giá tài sản, thẩm định thiệt hại.

Điều 12. Quyền của bên mua bảo hiểm

  1. Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
  2. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích, cung cấp các thông tin có liên quan đến việc giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
  3. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường nhanh chóng, đầy đủ và chính xác theo quy định của hợp đồng bảo hiểm.
  4. Thoả thuận với doanh nghiệp bảo hiểm về những nội dung của hợp đồng bảo hiểm nhưng không trái với các quy định của pháp luật.
  5. Được hạch toán chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc vào giá thành sản phẩm, dịch vụ đối với cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc được tính vào kinh phí do ngân sách nhà nước cấp đối với đơn vị hành chính sự nghiệp.
  6. Khởi kiện dân sự đối với doanh nghiệp bảo hiểm nếu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường không đúng thời hạn, không chính xác theo quy định của hợp đồng bảo hiểm.

Điều 13. Nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm

  1. Tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

2.[2] Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

  1. Hợp tác với các doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
  2. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
  3. Kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về những yếu tố làm thay đổi mức độ rủi ro để điều chỉnh điều kiện và mức phí bảo hiểm.

Điều 14. Quyền của doanh nghiệp bảo hiểm

  1. Thu phí bảo hiểm theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm và phù hợp với biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật.

2.[3] Từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp sau:

  1. a) Cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng;
  2. b) Cơ sở không có biên bản kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đã quá 01 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
  3. c) Cơ sở đang bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động do vi phạm nghiêm trọng các quy định về phòng cháy và chữa cháy.
  4. Từ chối giải quyết bồi thường đối với những trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như quy định tại Điều 10 Nghị định này.

Điều 15. Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm

  1. Thực hiện bảo hiểm cháy, nổ theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

2.[4] Bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc khi bên mua bảo hiểm có yêu cầu bằng văn bản. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này.

  1. Chi trả bồi thường đầy đủ, nhanh chóng và chính xác theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm và các văn bản pháp luật có liên quan.
  2. Đóng góp kinh phí để phục vụ cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.
  3. Giải thích đầy đủ cho bên mua bảo hiểm những thông tin liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và của doanh nghiệp bảo hiểm; cung cấp cho bên mua bảo hiểm nội dung biểu phí, quy tắc bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành.
  4. Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
  5. Phối hợp với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và cơ sở mua bảo hiểm thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và đề phòng, hạn chế tổn thất đối với cơ sở được bảo hiểm.
  6. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
  7. Định kỳ báo cáo với Bộ Tài chính về kết quả kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.

Điều 16. Thu kinh phí từ kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để đóng góp cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy

  1. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có trách nhiệm trích 5% tổng số phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đã thu được để đóng góp kinh phí cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

2.[5] Sáu tháng một lần, doanh nghiệp bảo hiểm chuyển số kinh phí thu được theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này vào tài khoản của Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy do Bộ Công an mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương để tạo nguồn kinh phí bổ sung hàng năm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể nội dung chi, cơ chế quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí này.

Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ,
CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN
CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM CHÁY, NỔ BẮT BUỘC

Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

  1. Chủ trì và phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
  2. Kiểm tra, giám sát việc thu, nộp và sử dụng kinh phí thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật.
  3. Ban hành quy tắc, mức phí, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của Nghị định này.

Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Công an[6]

  1. Hướng dẫn việc kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy và kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
  2. Tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí đóng góp cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của Nghị định này.

Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và áp dụng các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất do cháy, nổ gây ra.

Chương IV
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 21. Khen thưởng

Cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp bảo hiểm có đóng góp tích cực và mang lại hiệu quả tốt về kinh tế, xã hội trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 22. Xử lý vi phạm và khiếu nại, tố cáo

Cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi xâm hại quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân do nhân viên, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thực hiện. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[7]

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 24. Tổ chức thực hiện

  1. Bộ Tài chính, Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

BỘ CÔNG AN XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
Số: 07/VBHN-BCA Hà Nội, ngày 21  tháng 02  năm 2014
Nơi nhận:

– Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo và đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ);

– Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an;

– Lưu: VT, V19.

BỘ TRƯỞNG

(Đã ký)

 

 

 

Đại tướng Trần Đại Quang

 

[1] Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,”

[2] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2012.

[3] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2012.

[4] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2012.

[5] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2012.

[6] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 2 của Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2012.

[7] Điều 3 và Điều 4 của Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc quy định như sau:

“Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2012.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.”

CÔNG TY TNHH NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG

♦ ĐC: 139 Tân Sơn ,P 15, Q.Tân Bình, Tp.HCM

♦ ĐT: (028) – 3810 10 27 – 2244 85 69 | 0912.79.79.07 – 0988.787.535

♦ Fax : 028  – 38 10 10 27

♦ Email: duccuongpccc2005@gmail.com | quocdat1703@gmail.com

♦ Bảng giá: nghị định 130 về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

TOP từ khóa được tìm kiếm

– Luật pccc

– nghị định số 79/2014/nđ-cp

– nghị định 136/2020

– thông tư 66/2014/tt-bca

– luật pccc mới nhất 2018

– nghị định 136/2020/nđ-cp

Bình Luận

BÀI VIẾT NỔI BẬT

BÀI VIẾT TIÊU BIỂU