Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy
Cập nhật 123: 15/10/2019
Lượt xem
413
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10. Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật phòng cháy chữa cháy số 27/2001/QH10.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 5, bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 5 như sau
“3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy;
b) Ban hành các quy định, nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy;
c) Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về phòng cháy và chữa cháy; trong trường hợp do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ thì phải bồi hoàn chi phí chữa cháy, nếu gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
d) Bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy; trang bị và duy trì hoạt động của phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy, tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy;
đ) Thực hiện các nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy khác theo quy định của pháp luật.
3a. Chủ hộ gia đình có trách nhiệm:
a) Đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;
b) Thường xuyên kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy để có biện pháp khắc phục kịp thời;
c) Trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ; chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ chữa cháy; phát hiện cháy, báo cháy, tham gia chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy;
d) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất dễ gây cháy, nổ.
đ) Tham gia các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
4. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ, kiểm tra, thanh tra hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy.”
2. Bổ sung Điều 9a vào sau Điều 9 như sau
“Điều 9a. Hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy
1. Kinh doanh dịch vụ phòng cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Hoạt động kinh doanh này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh.
b) Người phụ trách chuyên môn nghiệp vụ của tổ chức hoạt động kinh doanh phải có trình độ chuyên môn phù hợp với ngành nghề kinh doanh.
c) Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
2. Chính phủ quy định cụ thể ngành nghề kinh doanh dịch vụ phòng cháy, điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy.”
3. Khoản 2 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau
“2. Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được đóng mới, hoán cải chỉ được cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi đã được duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Chính phủ quy định các loại phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.”
4. Khoản 4 Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau
“4. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cung ứng, vận chuyển vật tư, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải in các thông số kỹ thuật trên nhãn hàng hóa và phải có bản hướng dẫn an toàn về phòng cháy và chữa cháy bằng tiếng Việt.”
5. Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau
“Điều 23. Phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, công trình khai thác khoáng sản khác, nhà khung thép mái tôn.
1. Công trình cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra; phải đảm bảo các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra; phải trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy đảm bảo khả năng tự chữa cháy. Đối với công trình siêu cao tầng phải sử dụng vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí nội thất không cháy hoặc khó cháy.
2. Công trình trên mặt nước có nguy hiểm về cháy, nổ phải có phương án, lực lượng, phương tiện tự chữa cháy và giải pháp chống cháy lan.
3. Công trình ngầm, đường hầm, công trình khai thác khoáng sản khác phải trang bị phương tiện để phát hiện và xử lý khí cháy, khí độc; phải có hệ thống thông gió, giải pháp chống cháy lan và các điều kiện bảo đảm thoát nạn an toàn, triển khai lực lượng, phương tiện để cứu người, tài sản và chữa cháy.
4. Nhà khung thép mái tôn có diện tích lớn phải có các giải pháp chống cháy lan và tăng giới hạn chịu lửa đối với các kết cấu chịu lực để chống sụp đổ công trình khi xảy ra cháy.”
6. Bổ sung Điều 24a vào sau Điều 24 như sau
“24a. Phòng cháy đối với nhà máy điện hạt nhân
1. Công tác phòng cháy phải bảo đảm các điều kiện an toàn sau:
a) Phải tuân theo quy định tại Điều 24 Luật này.
b) Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện hoạt động của nhà máy.
c) Có quy định về nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của nhà máy.
d) Phải thành lập lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên trách được tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy.
đ) Được trang bị hệ thống tự động báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy và các phương tiện phòng cháy và chữa cháy chuyên dụng khác.
e) Bảo đảm các điều kiện về hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy.
g) Hệ thống điện phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
h) Các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy khác.
2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà máy điện hạt nhân xây dựng phương án chữa cháy, phương án cứu nạn và tổ chức thực tập theo quy định.
3. Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà máy điện hạt nhân.”
7. Khoản 1 Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau
“1. Tại các chợ và trung tâm thương mại phải tách điện phục vụ kinh doanh, bảo vệ và chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt; sắp xếp các hộ kinh doanh, ngành hàng đáp ứng yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy; có lối thoát nạn bảo đảm theo quy định và phương án thoát nạn, giải tỏa hàng hóa khi có cháy xảy ra; phải trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy, giải pháp chống cháy lan phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động.”
8. Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau
“1. Người đứng đầu cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông trong phạm vi quản lý của mình chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ đối với cơ sở, thôn, ấp, bản, tổ dân phố, rừng, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Người đứng đầu cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc danh mục do Bộ Công an quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy xây dựng phương án chữa cháy cho khu dân cư, cơ sở do mình quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an.
2. Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy cơ sở và khu vực dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao cần huy động lực lượng, phương tiện của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và của nhiều cơ quan, tổ chức hoặc nhiều địa phương.
Bộ Công an quy định danh mục cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy.
3. Phương án chữa cháy phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực tập ít nhất mỗi năm 01 lần. Các lực lượng, phương tiện có trong phương án khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ.”
9. Bổ sung Khoản 2a vào sau Khoản 2 Điều 46 như sau
“2a. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hỗ trợ thường xuyên cho cán bộ, đội viên đội dân phòng ở địa phương mình theo quy định của Chính phủ.”
10. Khoản 3, khoản 5, khoản 6 Điều 48 được sửa đổi, bổ sung như sau
“3. Thực hiện các biện pháp phòng cháy; thanh tra phòng cháy và chữa cháy; thẩm duyệt thiết kế và kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; chữa cháy kịp thời khi có cháy xảy ra.
5. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra, kiểm định kỹ thuật và chứng nhận phù hợp đối với phương tiện, thiết bị, chất, hàng có yêu cầu nghiêm ngặt về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
6. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định.”
11. Khoản 2 Điều 55 được sửa đổi, bổ sung như sau
“2. Nhà nước cấp ngân sách hoạt động phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách Nhà nước.
Trong ngân sách hàng năm của cấp xã có danh mục chi cho công tác phòng cháy và chữa cháy.”
12. Khoản 3, khoản 7 Điều 57 được sửa đổi, bổ sung như sau
“3. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy.
7. Thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế và nghiệm thu công trình xây dựng về phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra, kiểm định kỹ thuật và chứng nhận phù hợp đối với phương tiện, thiết bị, chất, hàng có yêu cầu nghiêm ngặt về phòng cháy và chữa cháy.”
Điều 2. Hiệu lực và hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 6, khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11 Điều 1 của Luật này.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua năm 2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014.
CÔNG TY TNHH NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG
♦ ĐC: 139 Tân Sơn ,P 15, Q.Tân Bình, Tp.HCM
♦ ĐT: (028) – 3810 10 27 – 2244 85 69
0912.79.79.07 – 0988.787.535
♦ Fax : 028 – 38 10 10 27
♦ Email: duccuongpccc2005@gmail.com
♦ Bảng giá: hệ thống chữa cháy bằng nước
TOP từ khóa được tìm kiếm
– Luật pccc
– nghị định số 79/2014/nđ-cp
– nghị định 136/2020
– thông tư 66/2014/tt-bca
– luật pccc mới nhất 2018
– nghị định 136/2020/nđ-cp
Bình Luận
BÀI VIẾT NỔI BẬT