CÔNG TY TNHH

 TƯ VẤN THIẾT KẾ XÂY DỰNG PCCC NĐC

Hotline
0912.79.79.07
0988.787.535 - 0946.371.114

Hướng Dẫn Công Tác Thẩm Duyệt Thiết Kế Về PCCC Đối Với Nhà Máy Điện Mặt Trời Và Hệ Thống Điện Mặt Trời Mái Nhà

Cập nhật 123: 23/11/2020

Hiện nay, điện năng lượng mặt trời ngày càng phổ biến, mô hình này đem lại nhiều lợi ích nên rất nhiều người dân, cơ quan, doanh nghiệp đã lắp đặt để tiết kiệm chi phí tiền điện. Tuy nhiên, việc lắp đặt tràn lan, không kiểm soát đã gây ra mất an toàn về công tác PCCC.

Tại một số tỉnh, thành thời gian qua đã xảy ra các vụ cháy xuất phát từ hệ thống điện mặt trời mái nhà, điển hình như chiều ngày 23/9, hệ thống điện mặt trời áp mái nhà xưởng của một công ty điện tại Cụm Công nghiệp Diên Phú, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai bất ngờ bốc cháy, làm khoảng 120m² tấm pin mặt trời bị thiêu rụi. Tại Đồng Nai, chiều ngày 09/6, 1 tủ điện hệ thống điện mặt trời tại TP Long Khánh đã bị sét đánh gây cháy nhưng may mắn được dập tắt kịp thời…

➡ Kiến Thức Cơ Bản Về PCCC Mà Doanh Nghiệp – Cơ Sở Kinh Doanh Cần Nắm

Hướng Dẫn Công Tác Thẩm Duyệt Thiết Kế Về PCCC Đối Với Nhà Máy Điện Mặt Trời Và Hệ Thống Điện Mặt Trời Mái Nhà

thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời

Để đảm bảo an toàn công tác PCCC, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – Bộ Công an đã ban hành Công văn số 3288/C07-P4 hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Theo đó, các hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc danh mục dự án, công trình do cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC như: khu chế xuất, khu công nghiệp, học viện, trường đại học, bảo tàng, cảng hàng không… (phụ lục IV, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP) phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, cụ thể như sau:

Về áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng cho nhà máy và hệ thống điện mặt trời. Do đó, ngoài việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành như: QCVN 06:2020/BXD TCVN 3890:2009, TCVN 5738:2001, TCVN 7336:2003 cần nghiên cứu thêm các tài liệu kỹ thuật về công nghệ điện mặt trời để áp dụng trong công tác thẩm duyệt.

Trường hợp chủ đầu tư đề nghị áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài để thiết kế về PCCC thì phải hướng dẫn trình tự, thủ tục đề nghị áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài theo quy định.

Về xác định đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC

  • Đối với dự án nhà máy điện mặt trời độc lập (bao gồm điện mặt trời trên mặt đất và điện mặt trời nổi trên mặt nước) phải xác định đối tượng theo quy định tại mục 17, Phụ lục IV, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP để thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định;
  • Đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc Phụ lục IV, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP thì phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC;
  • Đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình không thuộc Phụ lục IV, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP thì không phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC nhưng cần hướng dẫn, khuyến cáo Chủ đầu tư thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với hệ thống này.

Nội dung đảm bảo an toàn PCCC

  • Đối với các dự án nhà máy điện mặt trời độc lập: thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo các nội dung hướng dẫn và bảng đối chiếu tại Phụ lục I kèm theo công văn này.
  • Đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC: thực hiện thẩm duyệt về PCCC theo các nội dung hướng dẫn và bảng đối chiếu tại Phụ lục II kèm theo công văn này.
  • Đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC cần lưu ý một số nội dung sau:

a) Lựa chọn chủng loại hệ thống điện mặt trời mái nhà

  • Đối với tấm pin mặt trời, hiện nay phổ biến gồm 02 loại chính là loại tấm pin dạng tinh thể (đơn tinh thể, đa tinh thể) và loại tấm pin dạng phim mỏng. Trong đó, tấm pin dạng tinh thể có hiệu suất phát điện cao, giá thành cao nên đa số các hệ thống điện mặt trời trên mái sử dụng tấm pin dạng phim mỏng có hiệu suất phát điện thấp hơn và giá thành rẻ hơn. Các tấm pin dạng phim mỏng thường chứa nhiều thành phần có khả năng bắt cháy cao hơn so với tấm pin dạng tinh thể. Do đó, nên khuyến khích sử dụng tấm pin dạng tinh thể và ưu tiên lựa chọn các tấm pin đạt các thử nghiệm về khả năng chịu lửa để lắp đặt cho hệ thống điện mái nhà;
  • Đối với inverter chuyển đổi dòng một chiều thành xoay chiều của hệ thống điện mặt trời mái nhà chủ yếu sử dụng 02 loại là micro-inverter và string- inverter. Trong đó, micro-inverter gồm các inverter nhỏ gắn tại mỗi tấm pin còn string-inverter là tủ inverter chung cho một nhóm, dãy tấm pin. Cần khuyến cáo ưu tiên sử dụng loại hệ thống điện mặt trời sử dụng micro-inverter để hạn chế khả năng phát sinh hồ quang điện một chiều trên hệ thống.

b) Bố trí thiết bị của hệ thống điện mặt trời mái nhà

  • Không lắp đặt tấm pin mặt trời phía trên các gian phòng thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ A, B cũng như các gian phòng khác mà trong quá trình hoạt động có khả năng tích tụ khí, bụi cháy; hạn chế việc bố trí tấm pin trên các gian phòng làm kho hoặc các gian phòng lưu trữ khối lượng lớn chất cháy;
  • Các tấm pin mặt trời lắp đặt trên mái phải được chia thành các nhóm, dãy với kích thước không quá 40m x 40m cho mỗi nhóm, Khoảng cách giữa 02 nhóm không được nhỏ hơn 1,5m;
  • Đối với các mái có bố trí lan can xung quanh theo chu vi mái phải bố trí tấm pin cách lan can một khoảng 2,5m;
  • Bố trí tấm pin, đường dây và các thiết bị của hệ thống điện mặt trời không được che chắn các quạt tăng áp, hút khói, không làm cản trở lối tiếp cận đến trạm bơm (trường hợp trạm bơm đặt trên mái) và các hệ thống PCCC khác của công trình;
  • Không bố trí tấm pin trong phạm vi 3m xung quanh lối ra mái qua các buồng thang bộ, thang chữa cháy, các lỗ mở qua cửa sập;
  • Khi lắp đặt tấm pin mặt trời và các thiết bị khác của hệ thống điện mặt trời mái nhà phải tính toán tải trọng ảnh hưởng đến kết cấu mái trong điều kiện thường và trong điều kiện cháy; không lắp đặt tấm pin trên các mái làm bằng vật liệu cháy hoặc có vật liệu hoàn thiện là chất cháy;
  • Inverter và các tủ đóng cắt, tủ đấu dây,… khi bố trí trong nhà phải bố trí trong một phòng, không gian riêng biệt để giám sát và bảo vệ, không được bố trí chất cháy xung quanh khu vực này và phải có giải pháp ngăn cháy với các khu vực khác của công trình. Các thiết bị của hệ thống phải được nối đất bảo đảm theo quy định.

c) Bố trí lối tiếp cận lên mái

  • Công trình phải bố trí các lối ra mái qua các buồng thang bộ, thang chữa cháy hoặc các cửa sập; các tấm pin nên bố trí tại phía mái có đường giao thông cho xe chữa cháy tiếp cận;
  • Bố trí thiết bị trên mái phải bảo đảm khả năng tiếp cận, di chuyển từ lối ra mái đến từng nhóm, dãy pin.

d) Vận hành và điều khiển

  • Hệ thống điện mặt trời phải được trang bị các thiết bị ngắt khẩn cấp; thiết bị này cần bố trí cả ở vị trí inverter và vị trí tủ đóng cắt. Tại các vị trí này phải niêm yết hướng dẫn, quy trình vận hành;
  • Tại khu vực gần lối lên mái phải bố trí các sơ đồ bố trí tấm pin trên mái và sơ đồ đấu nối hệ thống để phục vụ việc ngắt kết nối các tấm pin trên mái khi có sự cố và phục vụ công tác chữa cháy.

đ) Trang bị phương tiện PCCC

Các gian phòng trong nhà có bố trí thiết bị của hệ thống điện mặt trời mái nhà như: inverter, tủ đóng cắt… phải được trang bị phương tiện, hệ thống PCCC theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với công trình đó. Việc lựa chọn loại hệ thống chữa cháy, chất chữa cháy phải phù hợp với thiết bị và bảo đảm khả năng chữa cháy đối với đám cháy thiết bị mang điện./.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Đà Nẵng

Nguồn: daihocpccc.edu.vn

TOP từ khóa được tìm kiếm

– Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy

– Thẩm duyệt pccc

– Hồ sơ thẩm duyệt pccc

– Hồ sơ pccc gồm những gì

– Thẩm duyệt hệ thống pccc chung cư

– Thẩm duyệt hệ thống pccc văn phòng

Bình Luận

BÀI VIẾT NỔI BẬT

BÀI VIẾT TIÊU BIỂU